Xuất khẩu thủy sản trở lại “đường đua” tăng trưởng

Xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu tháng 9/2023 đem về 363,8 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là tín hiệu cho thấy, xuất khẩu thủy sản đang trở lại "đường đua" và sẽ dần tăng tốc trong những tháng cuối năm…

thuy-san-2

Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 9/2023, trị giá xuất khẩu thủy sản đạt 363,8 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2023, tổng trị giá xuất khẩu thủy sản đạt 6,15 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9/2023 đã ghi nhận sự bứt phá của nhiều sản phẩm thủy sản, tập trung chủ yếu vào các loài hải sản như, cua ghẹ, tôm hùm, cá trích, cá thu, nước mắm, cá ngừ chế biến, cá biển đóng hộp, tôm biển, cá tra chế biến, tôm khô… Tuy nhiên, các mặt hàng chủ lực như tôm chân trắng, cá tra, cá ngừ, tôm sú, mực, chả cá đông lạnh vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, khiến doanh số xuất khẩu chung chưa thể bứt phá.

XUẤT KHẨU TÔM VÀ CÁ TRA VẪN TĂNG TRƯỞNG ÂM
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 8/2023 đạt 170 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, mức giảm trong tháng 8 đã thu hẹp so với các tháng trước đó (các tháng 5,6,7 ghi nhận giảm 23-36%). Tính chung 8 tháng năm 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt gần 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2022.

ca-tra

Xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 337 triệu USD trong tháng 8/2023, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu tôm đạt 2,2 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Về cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu, tôm chân trắng (chiếm tỷ trọng 74%) có giá trị xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD, giảm 29%. Giá trị xuất khẩu tôm sú (chiếm 14%) đạt 315 triệu USD, giảm 25%. Xuất khẩu tôm loại khác (chiếm 12%) đạt 257 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi ghi nhận mốc tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái lần đầu tiên trong tháng 7, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục tăng 11% trong tháng 8, đạt 76 triệu USD. Tính trong 8 tháng năm 2023, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ đạt 451 triệu USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tháng 8/2023 đạt 56 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng năm 2023, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 393 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu tôm nói chung vào thị trường Trung Quốc vẫn trên đà tăng trưởng. Lũy kế 7 tháng năm 2023 đạt 591.827 tấn, trị giá 3,33 tỷ USD, tăng 38% về sản lượng và 19% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

XUẤT KHẨU CÁ NGỪ SANG CHILE TĂNG 65%
VASEP cho biết kim ngạch xuất khẩu hải sản trong 8 tháng năm 2023 vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ, chỉ đạt 2,4 tỷ USD, giảm 25% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu mực và bạch tuộc đạt hơn 417 triệu USD, giảm 15%; nhóm cua ghẹ và giáp xác khác đạt 114 triệu USD, giảm 20%; nhóm nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 88 triệu USD, giảm 11%; nhóm nhuyễn thể khác đạt 3,7 triệu USD, giảm 11%, nhóm cá biển khác đạt 1,2 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước…

hai-san

Đứng đầu trong các mặt hàng hải sản, là cá ngừ với kim ngạch xuất khẩu đạt 545 triệu USD trong 8 tháng của năm 2023, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi các nước khác trong khối tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giảm nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam, Chile lại liên tục tăng nhập khẩu từ đầu năm 2023.

Tính riêng trong tháng 8/2023, xuất khẩu cá ngừ sang Chile tăng 75%, đạt gần 1,3 triệu USD. Lũy kế 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Chile đạt hơn 10 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính trong giai đoạn 8 tháng đầu năm, đây là con số cao nhất trong vòng 3 năm qua.

Trong 8 tháng năm 2023, Chile có xu hướng tăng mạnh nhập khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam, tăng 131% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, xuất khẩu thịt/loin cá ngừ đông lạnh cũng tăng mạnh 39%. Hiện Chile nhập khẩu chủ yếu thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam, chiếm tới gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 4 cho Chile sau Thái Lan, Ecuador và Trung Quốc. Năm nay, do nguồn cung cá ngừ từ Ecuador sang Chile giảm mạnh, nên nước này có xu hướng tăng nhập khẩu từ các nước khác trong đó có Thái Lan và Việt Nam.

Trong nửa đầu năm nay, lạm phát tại Chile đứng ở mức 2,1%, mức thấp trong 3 năm trở lại đây. Tính đến hết tháng 6/2023, chỉ số giá tiêu dùng tại nước này vẫn tiếp tục giảm xuống. Và điều này đang thúc đẩy tiêu dùng tại nước này.

Việt Nam với lợi thế về thuế theo cam kết trong hiệp định CPTPP sẽ là thế mạnh để cho các doạnh nghiệp mở rộng kinh doanh tại thị trường Chile. Do đó, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Chile sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm.

HOA KỲ TRỞ THÀNH THỊ TRƯỜNG SỐ 1 CỦA THỦY SẢN
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, VASEP cho biết Hoa Kỳ đã lấy lại vị thế số 1 với 165 triệu USD kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam trong tháng 8/2023, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Dù xuất khẩu cá tra vẫn thấp hơn 24%, nhưng xuất khẩu tất cả các sản phẩm chủ lực khác sang Hoa Kỳ đều đã hồi phục. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8: tôm tăng 11%, cá ngừ tăng 2%, cá biển khác tăng 12%, cua ghẹ, mực bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ đều tăng từ 24-56% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 8 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ đã chạm mốc 1 tỷ USD. Dự báo cả năm 2023, thị trường này sẽ đóng góp 1,7 tỷ USD doanh số xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam, ít hơn 23% so với năm 2022.

Tại thị trường Hoa Kỳ, các phân tích cho thấy đơn đặt hàng từ các hãng bán lẻ, nhu cầu nhập hàng phục vụ các lễ hội của năm tới đều có xu hướng tăng. Dự báo, tháng 11 và 12 năm nay, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Mỹ cũng sẽ khả quan hơn.

Trong tháng 8 và tháng 9, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) tại Hoa Kỳ đã tăng 10% so với thời điểm đầu năm nay. Điều này cùng với thời điểm mùa lễ hội cuối năm sẽ là những tín hiệu tích cực đối với triển vọng tăng trưởng tiêu dùng hàng hóa nói chung, thủy sản nói riêng trong quý 4/2023.

Xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản và Trung Quốc trong tháng 8 tuy cao hơn so với 2 tháng trước đó, nhưng chưa phản ánh rõ xu hướng hồi phục. Tuy nhiên, vụ việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ít nhiều đang làm xáo trộn thương mại thủy sản của nước này với các thị trường như Trung Quốc và các thị trường khác. Tác động tới thời điểm tháng 8 chưa thể hiện rõ ràng, nhưng có thể việc này sẽ làm giảm nhập khẩu thủy sản Nhật vào Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước khác.

Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là các sản phẩm nhuyễn thể như sò, điệp, hàu, mực – bạch tuộc, cá minh thái, cá hồi, cá tuyết, tôm nước lạnh…cho cả mục đích tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khảu của Trung Quốc.

Diễn biến này có thể giúp thủy sản Việt Nam có thêm thị phần tại một số thị trường trong thời gian tới. Do vậy, dự báo xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sẽ tăng trở lại mạnh mẽ hơn vào 4 tháng cuối năm, vừa để đáp ứng nhu cầu dịp Lễ Tết Nguyên đán, vừa bù đắp phần nào sụt giảm từ thị trường Nhật Bản.

Xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc trong tháng 8 cũng đạt mức cao nhất từ đầu năm, nhưng so với cùng kỳ vẫn thấp hơn 24%. Ngoài các thị trường chính với các xu hướng khác nhau, thì có nhiều thị trường nhỏ ghi nhận mức tăng trưởng trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9, bao gồm: Australia, Philippin, Brazil, Ả Rập Xê Út và một số thị trường trong khối EU như Italy, Thụy Sỹ, Phần Lan…

Với những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường Mỹ và Trung Quốc, Hàn Quốc, VASEP nhận định: Xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm nay đang dần lấy lại tăng trưởng và ghi nhận kết quả tích cực hơn nửa đầu năm.

Nguồn tham khảo: vneconomy.vn/xuat-khau-thuy-san-tro-lai-duong-dua-tang-truong